Thời tiết đang mát mẻ rồi nhiệt độ lại đột ngột tăng cao
trong những ngày qua là nguyên nhân khiến cho nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp. Điều
đáng lo ngại là rất nhiều bà mẹ cho rằng khi trẻ bị ho, sốt, sổ mũi, nghẹt
mũi... là điều bình thường chỉ cần mua thuốc về cho con uống là được. Lại cũng
có những bà mẹ khi thấy con bị ho là
ngay lập tức cho con uống kháng sinh. Theo BS.CKII Nguyễn Thị Kim Thoa – Trưởng
khoa Nội Tổng quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, đây là những sai lầm của các
bậc cha mẹ. Và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe của
trẻ.
Sau giấc ngủ trưa, bé Trần Anh Nhật, 2 tuổi, con chị Nguyễn
Kiều Oanh ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, bỗng dưng bị ho liên tục. Mấy tiếng
sau, chồng chị ra tiệm thuốc mua thuốc cảm cho con vì cho rằng con chị bị cảm
lạnh. Không sốt sắng đi mua thuốc cho con uống ngay khi con vừa bị ho như chị
Oanh, chị Đoàn Thủy Tiên, ngụ tại quận Tân Bình, lại đang thẫn thờ nhìn con nằm
li bì trên giường bệnh mà nguyên nhân là do chị chủ quan khi thấy con ho, sổ
mũi kéo dài nhưng không đưa con đi khám và giờ bé bị viêm phổi nặng.
BS. Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, nhiệt độ thay đổi liên tục
khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nếu thời tiết se lạnh cần phải
giữ ấm cho trẻ, đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi nên giữ ấm cổ, chân vào sáng sớm
và tối bằng cách quàng một chiếc khăn hay đi vớ cho trẻ. Ngược lại khi thời
tiết quá nóng, nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Không nên để trẻ nằm lâu trong
phòng máy lạnh và cần tránh cho trẻ nằm ngay luồng gió của máy lạnh. Có nhiều
trẻ vẫn thường ra vô phòng máy lạnh thường xuyên, điều này cũng cần phải tránh
vì cơ thể trẻ không kịp thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ liên tục nên rất dễ
mắc bệnh.
BS. Nguyễn Thị Kim
Thoa khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho trẻ. Nhiều cha mẹ
khi thấy con ho là cho uống kháng sinh ngay. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai
lầm. Tương tự, nhiều bà mẹ khi thấy con ho đã cho con uống thuốc ức chế ho. Ho
là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể, giúp làm sạch đường thở, tống
xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp. Vì thế thuốc ức chế cơn
ho chỉ dùng khi trẻ ho khan, ho quá mức gây mệt, nôn ói, mất ngủ và dùng theo
đúng chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ chảy mũi quá nhiều cần phải xịt thuốc mũi hay
nhỏ thuốc mũi cho trẻ. Tuy nhiên, thuốc này cần phải được bác sĩ chuyên khoa kê
toa.
Cũng cần phải lưu ý với những bệnh nhi bị hen phế quản, viêm
phế quản cấp, trẻ quá nhỏ cần phải tuân thủ theo đơn của bác sĩ, tuyệt đối
không tự mua bất kỳ loại thuốc ho nào cho trẻ uống. Một sai lầm cũng rất thường
gặp ở các bà mẹ là ngừng cho trẻ uống thuốc khi trẻ vừa đỡ bệnh. Vì cho rằng
kháng sinh có hại cho trẻ nên nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ 5 ngày
song thấy sau 2 ngày trẻ uống thuốc bệnh đã đỡ nên phụ huynh cũng liền dừng
dùng thuốc. Trên thực tê, lúc này vi khuẩn có thể mới chỉ bị tiêu diệt một phần
hoặc bị yếu đi chứ chưa bị loại trừ hoàn toàn. Vì thế, nếu bỏ thuốc, rất có thể
chúng sẽ phục hồi lại và tiếp tục gây bệnh.
Phải đặc biệt quan tâm đến trẻ nhỏ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp
tính vì trẻ sẽ rất dễ bị biến chứng viêm phổi. Khi trẻ bị viêm phổi nếu không
phát hiện kịp thời để điều trị sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Các bậc
cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính với những triệu
chứng như ho, sốt, khó thở, thở nhanh hoặc thở khác thường, đau họng, chảy nước
mũi, chảy mũ tai… Riêng trẻ bị viêm phổi sẽ có biểu hiện là ho và thở nhanh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét