Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Công dụng của dưa hấu

Say rượu
Uống nhiều nước dưa hấu. Không nên để dưa hấu đã cắt trong tủ lạnh, vì dưa hấu bản chất nhiều nước nên sẽ bị đông lại, khi ăn có thể gây viêm họng lợi, buốt răng và rối loạn tiêu hóa.
Nước giải khát mùa hè
Nước dưa hấu tươi phòng chữa được tất cả các chứng có hỏa - nhiệt - thấp, sốt cao, khát nước, miệng khô đắng, chán ăn, táo bón, tiểu đỏ sẻn.

Nếu bị cảm nắng (trúng thử) và các triệu chứng đó nặng hơn gây chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy (do thấp nhiệt), vẫn cho uống nước dưa hấu và phối hợp thêm đạm đậu sị 2g, hương nhu 8g, sắc uống.
Thức ăn tráng miệng mùa hè

Có tác dụng tốt sau khi uống rượu và ăn các thức ăn sinh nhiều nhiệt như thịt dê, thịt chó…
Nước ép dưa hấu cực tốt cho sức khỏe

Nước ép dưa hấu giúp thanh nhiệt
Cháo thanh nhiệt: Dưa hấu 1 kg, cát cánh 25 g (thái nhỏ), đường phèn 100 g, gạo tẻ 100 g. Hoặc dùng vỏ dưa hấu và lạc mỗi thứ 200 g, mạch nha 100 g, ý dĩ 100 g. Có thể ăn liền một tuần khi mệt mỏi, chán ăn.
Trẻ em cảm sốt
Vỏ dưa hấu 1 kg, chè xanh 10 g, bạc hà 15 g, nấu nước uống. Hoặc dưa hấu 1.500 g, cà chua 250 g (bỏ vỏ, hạt), vắt lấy nước uống. Phụ nữ có thai và người cao tuổi bí tiểu

Nhân hạt dưa hấu 15 g, giã nát trộn với 15 g đường, nấu nước uống ngày một lần.

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Điều chế thuốc chữa bệnh tự kỷ


Bệnh tự kỷ có nguyên nhân từ việc giao tiếp bất thường giữa các tế bào. Kiểm tra một giả định mới, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học y California, San Diego đã sử dụng một chức năng mới được phát hiện của một loại thuốc cũ để khôi phục lại các tế bào giao tiếp trong một con chuột mẫu bị bệnh tự kỷ, giúp làm suy giảm dấu hiệu của các triệu chứng của rối loạn tâm thần nguy hiểm.
Phát hiện này được công bố trên tạp chí PLOS ONE trong số ra ngày 13/3/2013 vừa qua.
“Giả thuyết của chúng tôi về sự nguy hiểm của tế bào cho thấy rằng nguyên nhân của bệnh tự kỷ là do các tế bào bị mắc kẹt trong một chế độ trao đổi chất khép kín, và không thể giao tiếp được với nhau một cách bình thường, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của não bộ", ông Robert Naviaux, bác sỹ y khoa, phó tiến sỹ, giáo sư y khoa và đồng giám đốc của Trung tâm bệnh về ty thể và chuyển hóa tại Đại học UC San Diego cho biết. "Nhằm ngăn chặn dấu hiệu nguy hiểm của con chuột thí nghiệm, cho phép các tế bào quay rở lại quá trình trao đổi chất bình thường và khôi phục việc giao tiếp của tế bào, chúng tôi sử dụng một loại thuốc đã được sử dụng khoảng gần một thế kỷ để điều trị các bệnh khác nhau".
"Tất nhiên, điều chỉnh những bất thường trong một con chuột rất khác biệt so với việc chữa bệnh cho con người", Naviaux nói. Tuy nhiên, kết quả này khích lệ chúng tôi thử nghiệm phương pháp này trong tương lai, tại một cơ sở thử nghiệm lâm sàng nhỏ đối với trẻ em bị rối loạn tự kỷ theo độ tuổi. Công việc thử nghiệm này vẫn còn trong giai đoạn đầu. Chúng tôi nghĩ rằng cách tiếp cận này - được gọi là liệu pháp điều trị chống purin APT – mở ra một con đường mới mẻ và đầy thú vị định hướng cho sự phát triển của một loại thuốc mới để điều trị bệnh tự kỷ".
Nghiên cứu thành công thuốc trị bệnh tự kỷ
Nghiên cứu thành công thuốc trị bệnh tự kỷ
Rối loạn tự kỷ theo độ tuổi (ASDs) là những rối loạn phức tạp thể hiện bởi những bất thường trong sự phát triển của ngôn ngữ, hành vi xã hội và tật lặp đi lặp lại của hành vi. Hàng trăm các yếu tố di truyền và môi trường khác nhau được biết đến như là yếu tố tạo lên nguy cơ của bệnh tự kỷ. Trong nghiên cứu này, gần một tá các nhà khoa học của UC San Diego về các chuyên ngành khác nhau đã hợp tác để tìm một cơ chế thống nhất giải thích về bệnh tự kỷ. Công việc của họ đã đạt được thành tựu đáng kể đó là một trong ba giải thưởng quốc tế “Trailblazer”do nhóm Austism Speaks trao tặng trong năm 2011.
Mô tả một lý thuyết hoàn toàn mới về nguồn gốc và phương pháp điều trị của bệnh tự kỷ bằng cách sử dụng liệu pháp APT, Naviaux và các đồng nghiệp đã công bố một kiến thức mới rằng, về cơ bản thì cả cả hai yếu tố di truyền và môi trường sống đều gây ra hành vi tự kỷ bằng cách, tạo ra một phản ứng tế bào nguy hiểm - trạng thái trao đổi chất ẩn chứa sự miễn dịch bẩm sinh và chứng bị kích động.
Khi các tế bào tiếp xúc với các hình thức nguy hiểm truyền thống, chẳng hạn như nhiễm trùng, virus hay chất môi trường độc hại, một cơ chế bảo vệ được kích hoạt, Naviaux giải thích. "Điều này dẫn đến những thay đổi trong chuyển hóa và biểu hiện gene, và làm giảm sự giao tiếp thông tin giữa các tế bào lân cận. Nói một cách đơn giản, khi các tế bào ngừng nói chuyện với nhau, thì trẻ em ngừng nói chuyện".
Bở vì ty thể - vốn được gọi là "nhà máy năng lượng" của tế bào - đóng một vai trò trung tâm đối với cả loại tế bào có thể lây nhiễm cho tế bào khác và loại tế bào không thể lây nhiễm, sự miễn dịch bẩm sinh và chứng kích động, Naviaux và các đồng nghiệp đã tìm thấy một hệ thống tín hiệu trong cơ thể vừa liên kết với ty thể vừa quan trọng đối với miễn dịch bẩm sinh. Họ tìm thấy nó trong các ngoại bào a xít nucleotide như ATP (hợp chất hữu cơ nucleotide có trong cơ thể sống, giải phóng năng lượng khi chuyển thành một nucleotide khác, ADP) và các mitokines khác – một loại phân tử tín hiệu được tạo ra bởi ty thể già.
Những mitokines này có chức năng trao đổi chất riêng biệt bên ngoài của tế bào mà chúng liên kết với và chúng điều chỉnh các cơ quan thụ cảm hiện diện trên tất cả các tế bào của cơ thể. Mười lăm nhóm cơ quan thụ cảm purin được kích thích bởi những ngoại bào nucleotide, và các cơ quan thụ cảm này sẽ kiểm soát một loạt các đặc điểm sinh học có liên quan đến bệnh tự kỷ.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột chất suramin - một chất ức chế tín hiệu purin được sử dụng trong y tế để điều trị bệnh ngủ châu Phi, ngay sau khi nó được tổng hợp vào năm 1916. Họ phát hiện ra rằng, chất trung gian APT này có thể chữa triệu chứng tự kỷ ở các con vật thí nghiệm, thậm chí ngay cả khi việc điều trị được bắt đầu sau khi triệu chứng bệnh đã bùng phát mạnh mẽ. Loại thuốc này phục hồi lại 17 loại triệu chứng bất thường, bao gồm việc bình thường hóa cấu trúc khớp thần kinh não, tín hiệu giữa các tế bào, hành vi xã hội, phối hợp hệ thần kinh vận động và bình thường hóa quá trình trao đổi chất của ty lạp thể.
"Hiệu quả nổi bật thể hiện trong nghiên cứu này là sử dụng APT để “tái lập trình” các phản ứng nguy hiểm của tế bào và giảm sự kích động tinh thần, mở ra một cơ hội để phát triển một loại thuốc kháng sinh để điều trị chứng tự kỷ và một số rối loạn khác", Naviaux cho biết.
Zarazuela Zolkipli, Lin Wang, Tomohiro Nakayama, Jane C. Naviaux, Le Thuy P., Michael Schuchbauer, Mihael Rogac, Qingbo Tang, Laura L. Dugan, và Susan B. Powell là các nhà khoa học có đóng góp cho nghiên cứu này.
Kinh phí cho dự án được tài trợ bởi Autism Speaks, Quỹ UCSD Christini, Quỹ từ thiện Jane Botsford-Johnson, Quỹ từ thiện Gia đình Wright, Quỹ từ thiện Lennox, Quỹ từ thiện Larry L. Hillblom, Quỹ từ thiện Gerber, và Quỹ từ thiện Wish của Hailey.
Bệnh tự kỷ có nguyên nhân từ việc giao tiếp bất thường giữa các tế bào. Kiểm tra một giả định mới, các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Diego School of Medicine đã sử dụng một chức năng mới được phát hiện của một loại thuốc cũ, để khôi phục lại các tế bào giao tiếp trong một con chuột mẫu bị bệnh tự kỷ, giúp làm suy giảm dấu hiệu của các triệu chứng của rối loạn tâm thần nguy hiểm.
Phạm Thị Bích Thu (Sciencedaily)

Khổ qua chữa ung thư ?

Một nghiên cứu tại Mỹ phát hiện nước ép của trái khổ qua (mướp đắng) có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tụy, theo Medical Daily.
Ba năm trước, các nhà khoa học đã phát hiện chiết xuất từ trái khổ qua (mướp đắng) có thể ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư vú trong đĩa nuôi cấy vi khuẩn.
Giờ đây, các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư CU và Trường Y học và Y dược Skaggs ở Colorado (Mỹ) có phát hiện mới về loại quả rất phổ biến ở châu Á này.
Mướp đắng
Mướp đắng
Họ nhận thấy nước ép từ trái khổ qua tác động đến quá trình chuyển hóa glucose, giới hạn năng lượng cung cấp cho tế bào ung thư tuyến tụy và tiêu diệt chúng.
Ung thư tuyến tụy là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất, có tỷ lệ tử vong cao vì không dễ phát hiện. Chỉ riêng ở Mỹ, hằng năm có khoảng 45.220 trường hợp mắc bệnh được phát hiện và 38.460 trường hợp tử vong.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy sau khi cho chuột dùng nước ép khổ qua, khả năng phát triển của tế bào ung thư tuyến tụy giảm được 60%. Tỷ lệ cũng tương tự đối với tế bào ung thư tuyến tụy được nuôi cấy trong đĩa Petri (đĩa nuôi cấy vi khuẩn) trong phòng thí nghiệm.
Nước ép khổ qua đã ngăn tế bào ung thư chuyển hóa glucose và làm tế bào không được cung cấp năng lượng, trong khi không làm ảnh hưởng đến các tế bào bình thường. Nguyên nhân là vì các tế bào ung thư phụ thuộc chủ yếu vào nguồn năng lượng từ glucose.
Nhiều nhà nghiên cứu đang phát triển các loại thuốc mới để tấn công vào khả năng tự cung cấp năng lượng của tế bào ung thư. Nhưng giờ thì chúng ta đã có sẵn một hợp chất tự nhiên có thể làm được điều đó, theo giáo sư Rajesh Agarwal, người thực hiện cuộc nghiên cứu.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Carcinogenesis.
Theo Thanh Niên

Vaxin mới tiêu diệt ung thu

Một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Canada đã mang đến tin vui cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư.
Loại vắcxin mới được gọi là DPX-0907 có khả năng điều trị an toàn cho các căn bệnh như ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư tuyến tiền liệt, hiện đang được thử nghiệm và phát triển tại một bệnh viện ở miền Bắc Italy.
Phóng viên tại Canada dẫn tuyên bố ngày 6/2 của Công ty Công nghệ sinh học Immunovaccine Inc. có trụ sở tại Halifax cho biết công ty này đã ký kết một thỏa thuận với các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Busto Arsizio ở miền Bắc Italy để thử nghiệm và tiếp tục phát triển vắcxin DPX-0907.
Vắc xin tiêu diệt tế bào ung thư
Theo các chuyên gia nghiên cứu, DPX-0907 là một phần trong phương pháp tiếp cận mới được gọi là vắcxin điều trị ung thư. Loại vắcxin này có tác dụng giúp các bệnh nhân chống lại bệnh tật chứ không phải để ngăn ngừa việc mắc bệnh. DPX-0907 có khả năng kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với việc tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư ở bệnh nhân mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Genevieve Weir, Giám đốc của dự án nghiên cứu, cho biết đây là một loại vắcxin khá độc đáo, có chứa 7 kháng nguyên khác nhau có thể nhắm mục tiêu vào 7 đường dẫn khác nhau của bệnh ung thư. Bà nói: "Loại thuốc chủng ngừa này chỉ lưu lại trong cơ thể khoảng 2 tuần, nhưng có khả năng đáp ứng miễn dịch lâu dài và có thể duy trì được trong nhiều năm. Việc kết hợp 7 loại kháng nguyên, DPX-0907 có khả năng tấn công tiêu hủy các tế bào ung thư thông qua nhiều con đường, giảm thiểu khả năng các tế bào này thoát khỏi tác động của một kháng nguyên duy nhất".
Mặc dù không tham gia vào nghiên cứu DPX-0907, nhưng tiến sĩ Neil Berinstein, bác sĩ chuyên khoa ung thư thuộc Bệnh viện Sunnybrook Toronto, cũng khẳng định rằng đây là một tiến bộ quan trọng. Việc tạo ra một hệ thống miễn dịch nhắm mục tiêu vào các tế bào cụ thể có thể là một cách tiếp cận tốt hơn các phương pháp điều trị ung thư truyền thống, giết chết các tế bào ung thư nhiều hơn mức cần thiết. Ông nói: "Một trong những giá trị của phương pháp điều trị miễn dịch ung thư đó là những tác động trực tiếp chống lại các tế bào ung thư, trong khi các phần còn lại của cơ thể vẫn còn nguyên vẹn và không phải chịu tác động của các phản ứng phụ thông qua hóa trị và xạ".
Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên của vắcxin DPX-0907 đã được thực hiện ở những bệnh nhân ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư tuyến tiền liệt. Các kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Y học Translational cho thấy DPX-0907 là an toàn và dung nạp tốt đối với các bệnh nhân. Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu sẽ được thực hiện tại Italy, với dự kiến kéo dài khoảng 1 năm, có thể sẽ xác định chính xác loại vắcxin này có tác động như thế nào trong hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với các loại ung thư khác.
Theo Vietnam+

Tin mới trong nghành y dược

Joe Landolina, một thanh niên 20 tuổi, đang học đồng thời chương trình thạc sĩ sinh hóa và chương trình cử nhân sinh học phân tử - hóa học của Đại học New York, Mỹ. Mới đây, cậu tìm ra công thức chế tạo một loại gel có khả năng cầm máu ngay lập tức. Cậu gọi nó là Veti-Gel.
"Ngoài cách đặt thật nhiều gạc lên vết thương, người ta chưa tìm ra cách nào để khiến máu ngừng chảy. Nếu bạn đổ chất gel mà tôi chế tạo lên vết thương, nó sẽ trở nên cứng và chặn máu tức thì", Landolina nói với New York Post.
Băng gạc cứu thương có thể biến mất nếu Veti-Gel được sử dụng rộng rãi.
Băng gạc cứu thương có thể biến mất nếu Veti-Gel được sử dụng rộng rãi.
Cậu sinh viên khẳng định rằng Veti-Gel có khả năng chặn máu chảy ra từ những vết thương nặng, động mạch chính và cơ quan nội tạng.
Trong quá trình nghiên cứu, Landolina hợp tác với Isaac Miller, một sinh viên cũng học tại Đại học New York và sẽ tốt nghiệp trong năm nay.
Joe Landolina đang học song song chương trình cử nhân và thạc sĩ.
Joe Landolina đang học song song chương trình cử nhân và thạc sĩ.
Veti-Gel mô phỏng chất nền ngoại bào, thứ tạo nên các mô kết nối để cơ thể động vật tạo thành một khối. Tuy nhiên, Landolina chiết xuất các chất từ thực vật để chế tạo Veti-Gel. Cậu đã gây xuất huyết trên động mạch và gan của chuột để thử nghiệm chất gel. Kết quả cho thấy máu ngừng chảy ngay lập tức sau khi gel bao phủ bề mặt vết thương.
Trong thời gian tới Landolina và Miller sẽ thử nghiệm tác dụng của Veti-Gel trên cơ thể động vật sống dưới sự giám sát của một bác sĩ phẫu thuật tim.
Theo VnExpress

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Mía và sức khỏe con người

Mía vị ngọt tính hàn (có sách ghi lương và bình), dùng uống trong chữa ho, hen, nôn mửa, tình trạng hoảng hốt, tâm thần bất định, trúng phong cấm khẩu, bí đái.
Do tính hàn lương nên cấm chỉ định trường hợp tỳ vị hư hàn. Trường hợp  cần thiết thì phối hợp với gừng để giảm tính lạnh của mía.
Có giai thoại: dưới triều Càn Long có y sư Hà Văn Dĩnh đã hướng dẫn một bệnh nhân họ Chu chỉ dùng nước cốt mía uống mấy ngày chữa khỏi chứng mất tiếng mà trước đó nhiều danh y trong vùng đã từ chối… Đời Đường có nhà thơ Vương Duy đã viết bài thơ đại ý: “Ăn no chớ lo nội nhiệt vì đã có nước mía hàn…”.
Sau đây giới thiệu một số công dụng chữa bệnh của mía để chúng ta tận dụng hết tiềm năng của mía với giá trị bằng cả một thang thuốc phục mạch mà không chỉ đơn giản là cốc nước mía  để giải nóng ngày hè.
Đầu Xuân nói về cây mía 1
Nước mía vừa ngon vừa giải nhiệt
Mùa nóng trẻ đi tiểu nhiều, đái nhiều lần ít một (đái rắt) là có thấp nhiệt. Cho uống nước mía. Mùa hè nên uống nước mía giải nhiệt.
Thanh nhiệt, nhuận hầu họng (khô khát). Mùa hè uống nước mía tươi (không đá). Mùa đông nấu nước mía uống nóng hoặc cho lát gừng.
Dưỡng âm nhuận táo, sinh tân chỉ khát ho khan ít đờm, người bứt rứt, họng khô, táo bón: cháo mía: nước mía 200ml, gạo 60g (nấu cháo xong cho nước mía vào nấu lại cho sôi, ăn nóng).
Dưỡng âm, nhuận phế (dùng cho người hay ho, nóng rát cổ, giọng nói yếu): bách hợp 50g, ngâm nước nấu nhừ sau cho nước mía 100g và nước củ cải 100g. Uống trước khi đi ngủ 1 - 2 tiếng.
Chữa chứng phát nóng, miệng khô, cổ ráo, tiểu tiện đỏ: nhai mía nuốt nước, hoặc hòa nước cơm mà uống.
Tư âm, dưỡng vị, chống khát, chống nôn mửa: nước mía 150ml, nước gừng 5 - 10 giọt. Uống từng ngụm một, không uống tất cả trong một lúc.
Táo bón nhiệt kết đại tràng, thở có mùi hôi, đầy bụng, nước tiểu vàng, nóng, lưỡi vàng mỏng; vỏ cây đại (cạo vỏ ngoài) 40g, phèn chua sống tán mịn 8g, nước mía 300ml cô đặc. Vỏ cây đại sao tán mịn, trộn 3 thứ luyện thành viên 0,5g. Mỗi lần uống 8 viên (4g) sáng sớm và trước khi đi ngủ. Khi thấy đi ngoài được thì thôi.
Chữa bàng quang thấp nhiệt, đái rắt, buốt, đục, viêm đường tiết niệu: mía 1 khúc (300g), mã đề 200g (cả cây), râu ngô 150g. Mía lùi sơ, rửa sạch, cắt khúc chẻ nhỏ. Cho các thứ vào sắc uống.
Viêm đường tiết niệu đái rắt, đái ra máu: chọn mía già bỏ vỏ ép lấy nước. Ngó sen thái nhỏ ngâm nước mía khoảng 5 tiếng. Lấy ngó sen ép lấy nước uống ngày 3 lần. Nước này có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp.
Bệnh đường tiết niệu, thanh nhiệt lợi thấp: nước ép mía 500g, hòa nước ép ngó sen tươi 500g. Chia nhỏ uống trong ngày.
Nứt kẽ môi miệng: lấy nước mía bôi ngoài, uống trong. Hoặc vỏ mía đốt tồn tính trộn ít mật ong bôi vào.
Chữa suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, hay mệt: nước mía ép 1/2 lít. Trứng gà tươi 2 quả. Nước mía nấu sôi, đập trứng vào, nhắc xuống đậy kín nắp. Ăn nóng. Nếu tay chân lạnh thêm lát gừng sống giã nát cho vào nước mía khi sôi.
Người gầy (hốc hác) da khô, tóc cháy: rau má xay 200g, nước dừa xiêm 1 quả, nước mía 1 chén. Có thể thêm mật ong, sữa ong chúa để uống mỗi lần (không pha sẵn). Uống trước khi ngủ.
Chữa người gầy: lấy 1 lít nước mía nấu kỹ với chuối khô (mứt chuối) 200g. Hai thứ nấu sôi, để lửa nhỏ, đập vào 2 quả trứng gà tươi (mới đẻ), ăn nóng. Tuần dùng 3 lần sẽ thấy hiệu quả bắt đầu.
Mí mắt sưng đỏ, viêm màng kết hợp: nước mía sạch bôi lên mí mắt trên dưới, hoặc tẩm gạc đắp lên mắt để tiêu viêm thanh hỏa. Trước uống nước mía pha 4g xuyên hoàng liên.
Trẻ em mồ hôi trộm: ăn mía, uống nước mía.
Chữa phiên vị, ăn vào mửa ra: nước mía 200g, nước cốt gừng 15ml. Trộn đều uống từng thìa nhỏ trong vài ngày. Bài này còn dùng chữa đau dạ dày mạn tính và giải độc cá nóc.
Ho, hen do nhiệt, sổ mũi, miệng khô: mía ép giã lấy nước nấu cháo ăn.
Chữa ho gà: mía 3 lóng, rau má 1 nắm, gừng 2  lát. Cho vào 2 bát nước, sắc uống ít một.
Chữa bệnh bụi phổi: nước mía 50ml, nước củ cải 50ml, cho mật ong, đường phèn, dầu vừng 1 ít chưng thành cao. Hàng ngày cho 2 lòng đỏ trứng gà đánh đều với cao tùy ý rồi hấp cơm.
Sởi:
- Phòng hậu sởi: sắn dây 40g, rau mùi 20g, mía 2 đốt. Dùng 2 bát nước sắc còn 1 bát uống dài ngày trong dịch sởi.
-  Sau sởi: ép lấy nước mía vỏ đỏ uống.
Sốt rét có báng: phế lao. Ăn mía dài ngày hàng tuần, tháng. Kết hợp các phương khác của Đông y, Tây y.
Giải say rượu: uống nước mía hoặc nhai mía nuốt nước.
Ngộ độc cá nóc: nước mía với gừng tươi mỗi thứ một ít nước mía là chính, Uống để sơ cứu ngay rồi mang đi bệnh viện ngay để được an toàn tính mạng bệnh nhân.
  sách cổ cho rằng uống nước mía bằng cách nhai có hai cái lợi: một là uống được ít một sẽ có lợi hơn và hai là “tập thể dục cho răng khỏe”. Ngày nay lại có sáng kiến dùng thỏi mía làm cốt bọc thịt ra ngoài để nướng. Phối hợp như vậy là rất tốt. Tránh trộn nước mía với bia hoặc cho đá gây thấp nhiệt.
BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Bệnh mà mẹ có thể lây cho bé

Siêu vi viêm gan B là một loại virut hướng gan, gây ra bệnh viêm gan có thể lây truyền qua các con đường: mẹ truyền sang con (đây là đường lây quan trọng nhất), đường tình dục (bệnh viêm gan B có thể lây qua hoạt động tình dục cùng giới hoặc khác giới), truyền máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi B hoặc tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân viêm gan B, dùng chung kim tiêm có nhiễm siêu vi B….
Người mẹ bị nhiễm viêm gan siêu vi B trước khi có thai có thể truyền sang cho con khi đang mang thai. Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh. Ngoài ra viêm gan B có thể truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh hoặc khi cho con bú. Do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa tự sản xuất ra kháng thể nên trẻ có xu hướng dễ nhiễm virus gây viêm gan B.
Ảnh minh họa

Nếu như ở người lớn 90% trường hợp nhiễm siêu vi viêm gan B ở tuổi trưởng thành sẽ hồi phục hoàn toàn, chỉ có 10% chuyển thành “người mang trùng mạn tính” thì ở trẻ em, nhiễm siêu vi B từ lúc mới sinh, bệnh diễn biến khác hẳn. Khoảng 90% số trẻ này sẽ trở thành người mang bệnh mạn tính. Giai đoạn này kéo dài nhiều năm, có thể không có biểu hiện lâm sàng, cuối cùng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan...
Để mẹ không lây truyền viêm gan B cho con, trước hết người mẹ bị viêm gan B phải điều trị bệnh ổn định trước khi mang thai và tiêmphòng cho trẻ ngay sau khi sinh. Có thể tiêm huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B hoặc vắc xin hoặc cả hai. Tiêm vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng.
Lây truyền HIV
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường lây nhiễm của HIV. Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong cả ba thời kỳ: mang thai, khi sinh và cho con bú.
Khi mang thai:
HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên người ta nhận thấy tỷ lệ lây truyền HIV qua nhau thai tương đối cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Khoảng 20-30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ được cho là lây truyền qua bánh nhau. Tỷ lệ này có thể tăng lên, hay nói cách khác, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua bánh nhau sang thai nhi tăng lên nếu tuổi của mẹ tăng lên hoặc khi mang thai rồi mẹ mới bị nhiễm HIV, vì khi đó nồng độ HIV trong máu rất cao. Tương tự như vậy, người mẹ bị nhiễm HIV ở giai đoạn muộn, tức là đã ở giai đoạn AIDS mới mang thai thì nguy cơ này cũng tăng lên.
Khi sinh:
Cho dù có một tỷ lệ nhất định trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV từ khi còn nằm trong tử cung, nhưng rất nhiều nghiên cứu cho rằng sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thường xảy ra muộn vào thời kỳ chuyển dạ, hoặc khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài khi trẻ đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo hoặc máu của mẹ hoặc do sự trao đổi máu mẹ- thai nhi khi chuyển dạ.
HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào đứa trẻ. Khi sinh HIV cũng có thể qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể của trẻ sơ sinh. Người ta cũng cho rằng các cơn co tử cung mạnh cũng có thể đẩy HIV từ máu mẹ vào tuần hoàn của thai nhi.
Khoảng 50-60% số trẻ em bị lây nhiễm từ mẹ được cho là bị lây truyền trong khi sinh. Đối với những trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn thì nguy cơ lây nhiễm HIV của trẻ tăng lên.
Vỡ ối sớm cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ này. Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng tăng lên, nhất là khi thời gian này kéo dài trên 4 giờ. Kết quả phân tích nhiều nghiên cứu của nhóm HIV chu sinh quốc tế cho thấy cứ mỗi giờ sau khi vỡ ối nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%.
Khi cho con bú:
Cho dù với nồng độ không cao nhưng HIV cũng có trong sữa mẹ nên nó có thể lây nhiễm cho trẻ khi chúng bú sữa người mẹ nhiễm HIV. Khi trẻ bú mẹ, HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ này, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong khoang miệng và gây nhiễm HIV cho trẻ. Khoảng 20-30% số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ được cho là bị lây qua bú sữa mẹ tùy thuộc vào thời gian và cách nuôi con bằng sữa mẹ.
Nguy cơ lây truyền HIV qua bú sữa mẹ sẽ tăng lên nếu mẹ nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS (nồng độ HIV trong máu mẹ cao) hoặc mẹ mới nhiễm HIV sau khi sinh con hay vào thời kỳ cho con bú mẹ mới bị nhiễm HIV (vì trong thời kỳ mới nhiễm HIV, nồng độ HIV trong máu mẹ cũng rất cao); thời gian cho trẻ bú dài (càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV sang con càng cao); nuôi trẻ hỗn hợp: vừa cho trẻ bú mẹ, vừa cho ăn thêm ngoài (các thức ăn, đồ uốngkhác có thể là nguyên nhân gây ra tiêu chảy làm tổn thương niêm mạc ruột. Điều này làm cho virus từ sữa mẹ dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ).
Vì vậy, để dự phòng và giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, người phụ nữ nhiễm HIV mang thai cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn chăm sóc thai sản, theo dõi và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong quá trình chuyển dạ, cần tiếp tục hợp tác tốt với các thày thuốc sản khoa để giúp cho cuộc đẻ được thuận lợi và an toàn. Các bà mẹ cũng cần chủ động hỏi ý kiến các thày thuốc về cách nuôi trẻ sau sinh, và tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc và điều trị củathày thuốc.
Lậu
Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhea gây ra. Loại vi khuẩn này hay có ở những vùng ẩm ướt của cơ thể như âm đạo, dương vật, mắt, họng và trực tràng. Bệnh lậu cũng có thể lây lan qua mọi hình thức quan hệ tình dục như qua đường miệng, đường âm đạo và trực tràng.
Khi bị nhiễm lậu, các triệu chứng ở nữ giới thường không điển hình, tiến triển thầm lặng và ít khi có triệu chứng cấp tính.
Người mẹ mang thai mắc bệnh lậu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hoặc có điều trị nhưng không triệt để, thì bệnh từ người mẹ sẽ truyền cho con. Trẻ có thể nhiễm vi khuẩn lậu khi tiếp xúc với bộ phận sinh dục của mẹ khi sinh, trong đó bệnh hay gặp nhất là viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn lậu.
Các triệu chứng thường gặp sau khi sinh 3 ngày và thường xuất hiện ở cả hai mắt làm cho mi mắt trẻ biến dạng, phù nề, dính vào nhau, tiết nhiều mủ vàng xanh, kết mạc cương tụ và xuất huyết. Nếu không được điều trị có thể gây biến chứng loét, thủng giác mạc và dẫn đến mù… Đôi khi trẻ bị lây nhiễm cả lậu và Chlamydia, thường từ chất tiết của cổ tử cung.
Ngoài ra, nếu bệnh lậu không được điều trị từ trước khi có thai có thể dẫn đến viêm tiểu khung. Đây là yếu tố nguy cơ gây chửa ngoài tử cung, tăng nguy cơ đẻ non cũng như các biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Vì vậy, mọi phụ nữ mang thai có nguy cơ cao (có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với người bị bệnh mà không có dụng cụ bảo vệ), cần làm xét nghiệm để tầm soát ngay từ lần khám thai đầu tiên và lần nữa vào 3 tháng cuối của thai kỳ để hạn chế các biến chứng của bệnh. Bệnh có thể điều trị dễ dàng, do đó nên tham khảo ý kiến thầy thuốc nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng của bệnh lậu.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể mắc các bệnh như mụn rộp (Herpes), nấm, bệnh do Chlamydia, Rubella… nếu mẹ mắc các bệnh trên.
BS. Nguyễn Bích Ngọc